Tên đề tài: Nghiên cứu tình hình đẻ non tại khoa Phụ Sản – Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng trong 06 tháng từ tháng 02/2017 đến tháng 07/2017.
Mã số đề tài: CS/BVDP/17/03
Chủ nhiệm đề tài: BSCKII Nguyễn Văn Trung Tel:0912089926
Email:
Cơ quan chủ trì đề tài: Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng
Cơ quan và cá nhân phối hợp thực hiện:
+ Khoa Phụ Sản – Bệnh viện đa khoa huyện đan phượng
+ Bác sỹ Nguyễn Thị Hằng
+ Hộ sinh Nguyễn Thị Minh Thúy
Thời gian thực hiện: Từ 01/02/2017 đến 31/7/2017.
1. Đặt vấn đề:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trên toàn cầu cứ 10 trẻ sinh ra thì có 01 trẻ đẻ non. Việt Nam nằm trong số 42 nước có tỷ lệ trẻ tử vong cao nhất thế giới, 25% nguyên nhân tử vong là do sinh non - tỷ lệ rất cao. Bệnh viện dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác chăm sóc, điều trị sản phụ khoa, nhưng tỷ lệ sinh non có xu hướng tăng lên. Tại bệnh viện phụ sản trung ương tỷ lệ đẻ non từ năm 2011 là 15%, tăng lên 18 % vào năm 2013. Tại khoa Sản Bệnh viện Đan Phượng hàng năm có khoảng 3000 ca đẻ nhưng chưa có một nghiên cứu nào về đẻ non, tỷ lệ là bao nhiêu, nguyên nhân như thế nào. Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:
“Nghiên cứu tình hình đẻ non tại khoa Sản bệnh viện đa khoaĐan Phượng từ tháng 02/2017 đến 07/2017”
2. Mục tiêu của đề tài:
- Đánh giá tỷ lệ đẻ non.
- Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến đẻ non.
3. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
* Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành dựa trên tất cả các sản phụ đẻ non tại khoa Sản bệnh viện Đan Phượng từ ngày 01/02/2017 đến 31/7/2017.
- Tiêu chuẩn lựa chọn: Tất cả các trường hợp đẻ non từ 22 tuần đến dưới 37 tuần tại khoa Sản bệnh viện Đan Phượng từ ngày 01/02/2017 đến 31/7/2017.
- Tiêu chuẩn loại trừ: Sản phụ đẻ non ngoài thời gian lựa chọn; Sản phụ chuyển viện khi có chuyển dạ đẻ non.
* Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp tiến cứu mô tả cắt ngang.
4. Kết quả và Bàn luận:
* Tỷ lệ đẻ non: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 3,77% số trường hợp đẻ non trong 6 tháng từ tháng 02/2017 đến tháng 07/2017 so với tổng số đẻ nói chung.Điều này có thể giải thích những năm gần đây việc quản lý thai nghén tốt hơn rất nhiều, người dân có ý thức và kiến thức hơn trong việc chăm sóc và quản lý thai nghén; các dịch vụ chăm sóc y tế ngày càng phát triển hoàn thiện hơn. Kết quả của chúng tôi thấp hơn nhiều cũng có thể giải thích địa điểm lấy mẫu là bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng là một bệnh viện tuyến huyện ở ngoại thành thành phố Hà Nội gần với bệnh viện tuyến Trung ương nên một số trường hợp có nguy cơ đẻ non không vào viện để sinh. Mặt khác do khả năng tiếp nhận điều trị và chăm sóc sơ sinh còn chưa tốt nên bệnh viện không dám giữ lại những thai cực non và rất non.
Trong việc nghiên cứu tình hình đẻ non, việc phân loại tuổi thai là rất cần thiết vì liên quan đến tình trạng tử vong và bệnh tật của trẻ sơ sinh sau đẻ. Tuổi thai càng thấp thì tỷ lệ tử vong và bệnh tật càng cao.
Kết quả của chúng tôi cho thấy tuổi thai từ 22 đến 27 tuần bằng với tuổi thai 28 tuần đến 31 tuần chiếm tỷ lệ thấp nhất là 1,85%; tuổi thai từ 32 tuần đến 33 tuần chiếm 11,11% và tuổi thai từ 34 tuần đến dưới 37 tuần chiếm tỷ lệ cao nhất là 85,19%. Kết quả của chúng tôi cho thấy tuổi thai càng cao làm tăng nguy cơ đẻ non. Điều này có thể được giải thích do:
- Trong những tháng cuối cơ tử cung phát triển mạnh và trở nên mẫn cảm hơn với các cơn co tử cung.
- Thai phát triển nhanh trong những tháng cuối làm cơ thể bà mẹ phải thay đổi để thích ứng với quá trình thai nghén. Nếu như mẹ mắc một số bệnh mãn tính như bệnh tim, thiếu máu… làm tăng nguy cơ đẻ non.
- Một số bệnh lý như rau tiền đạo, rau bong non, tiền sản giật… thường xảy ra vào những tháng cuối thai kỳ.
Mặt khác, điều này cũng có thể giải thích tại khoa sản, bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng những trường hợp tuổi thai dưới 32 tuần (tức là sơ sinh cực non và rất non) tiên lượng trẻ sơ sinh đẻ ra không tốt thường chuyển bệnh viện tuyến trên nên trong mẫu nghiên cứu tuổi thai dưới 32 tuần là rất ít, chủ yếu là những trường hợp không kịp chuyển viện.
* Một số yếu tố liên quan đến đẻ non:
- Liên quan giữa tuổi của mẹ và đẻ non :Tỷ lệ đẻ non gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 18-25 tuổi (46,3%) và lứa tuổi 26-35 tuổi (44,44%). Như vậy, kết quả này khẳng định lứa tuổi từ 18-35 tuổi chiếm phần lớn. Đây là nhóm tuổi sinh đẻ nhiều nhất nên tần suất gặp đẻ non sẽ cao hơn với các nhóm tuổi khác.
- Liên quan đến nghề nghiệp của mẹ và đẻ non: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong số 54 ca đẻ non được nghiên cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng thì những sản phụ làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ 48,15%, nhóm sản phụ làm công nhân chiếm 42,59% cong nhóm sản phụ làm cán bộ, viên chức chỉ chiếm 9,26%. Điều này giải thích nghề nông vất vả không có đầy đủ điều kiện về kinh tế để chăm sóc quá trình thai nghén tốt, phục nữ là nông nghiệp có kiến thức về sức khỏe nói chung và chăm sóc thai nghén nói riêng còn nhiều hạn chế. Mặt khác huyện Đan Phượng là một huyện ngoại thành Hà Nội, nghề chính là nông nghiệp nên tần suất gặp ở nhóm nông nghiệp cao hơn.
- Liên quan đến tình trạng đa thai với tình trạng đẻ non: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trong tổng số 54 trường hợp đẻ non thì đa thai có 03 trường hợp chiếm 5,56%. Đa thai làm căng giãn quá mức cơ tử cung nên cũng là yếu tố gây chuyển dạ đẻ non.
- Liên quan giữa số lần sinh và đẻ non: Kết quả của chúng tôi cho thấy tần suất gặp đẻ non ở những phụ nữ sinh con dạ (70,37%) cao hơn so với phụ nữ sinh con so (29,63%) .Khi phụ nữ đẻ nhiều lần, cơ tử cung trở nên nhạy cảm hơn với cơn co tử cung và cổ tử cung mềm, dễ xóa mở.
- Liên quan giữa tiền sử nạo hút thai, sảy thai, đẻ non tới đẻ non: Theo nghiên cứu của chúng tôi có 9,26% sản phụ có tiền sử nạo hút thai, sảy thai; có 11,11% sản phụ có tiền sử đẻ non, tỷ lệ sản phụ không có tiền sử nạo hút thai, sảy thai là 79,63%.
- Liên quan giữa tiền sử bệnh tật của mẹ tới đẻ non: Khi mẹ mắc các bệnh cấp hoặc mãn tính như bệnh thận, tim mạch … hoặc các bệnh lý mẹ do thai kỳ gây nên như: Tiền sản giật, sản giật… gây ra đẻ non. Thầy thuốc bắt buộc phải chấm dứt thai kỳ sớm khi tình trạng đó gây ra những bất ổn cho mẹ cũng như thai nhi. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 9 trường hợp mẹ có tiền sử viêm đường sinh dục chiếm 16,68%; 03 trường hợp mắc bệnh ngoại khoa chiếm 5,56%; 01 trường hợp có khối u ở cơ quan sinh dục chiếm 1,85%.
- Liên quan đến giữa chỉ số ối và đẻ non: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tại bảng 9 cho thấy có 7,14% trường hợp thiếu ối và 1,85% trường hợp đa ối. Nếu như đa ối gây căng giãn quá mức cơ tử cung thì thiếu ối hay hết ối làm cho thầy thuốc phải chấm dứt thai kỳ.
- Phương pháp đẻ: Với những sản phụ chuyển dạ đẻ non, do thai nhi có trọng lượng thường thấp nên quá trình lọt, xuống, quay, xổ thường nhanh lên cuộc chuyển dạ thường diễn ra dễ dàng. Vì vậy, hầu hết các trường hợp đẻ non nếu không kèm theo các yếu tố, nguy cơ khác có thể đẻ đường âm đạo.
Tuy nhiên, cuộc đẻ đối với thai non tháng đôi khi cũng nhiều khó khăn:
+ Các thai nhi non tháng kích thước đầu lớn hơn mông.
+ Sự bình chỉnh thai nhi với khung chậu người mẹ không tốt làm cho ngôi thế, kiểu thế bất thường hay gặp trong thai non tháng.
+ Mặt khác thai non tháng cũng thường kèm các bất thường của người mẹ, của thai, phần phụ thai: U xơ tử cung, rau tiền đạo, song thai…
+ Thai non tháng có hệ thống cơ quan, tổ chức có thể chưa hoàn thiện nên dễ cho các tai biến sơ sinh sau đẻ.
Hiện nay với những tiến bộ của y học trong khả năng nuôi sống sơ sinh non tháng đã tác động không nhỏ tới thái độ xử trí của thầy thuốc với đẻ non. Vì lợi ích của trẻ sơ sinh, thầy thuốc sẵn sàng chỉ định mổ đẻ trong các trường hợp khó khăn. Kết quả của chúng tôi cho thấy có 68,52% trường hợp đẻ thường để kết thúc thai nghén, có 31,48% các trường hợp mổ đẻ, không có trường hợp nào đẻ thủ thuật Forcep hay giác hút. Có thể giải thích lý do rằng tại bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng những trường hợp có chỉ định Forcep khi mẹ không được phép rặn như bệnh tim, tăng huyết áp, sẹo mổ cũ tử cung… thường được chỉ định mổ đẻ để an toàn cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
- Tình trạng sơ sinh sau đẻ: Apgar là một thông số quan trọng để chẩn đoán hiện tượng ngạt sau đẻ của trẻ sơ sinh nói chung và sơ sinh non tháng nói riêng. Bảng điểm Apgar được đánh giá ở 3 thời điểm: 1 phút, 5 phút, 10 phút sau sinh. Trẻ sơ sinh bình thường có Apgar lớn hơn hoặc bằng 7 điểm. Trẻ có Apgar từ 4 đến 6 điểm được chẩn đoán là ngạt nhẹ và 2 đến 3 điểm được chẩn đoán là ngạt nặng. Nghiên cứu của chúng tôi tại bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng thấy trong tổng số 54 trường hợp đẻ non thì có tới 53 trường hợp trẻ sơ sinh sau đẻ có Apgar từ 8 đến 10 điểm (trẻ sau khi đẻ bình thường) chiếm tỷ lệ 98,15%; có 01 trường hợp trẻ đẻ non Apgar từ 6 đến 7 điểm (trẻ sau đẻ ngạt nhẹ) chiếm tỷ lệ 1,85%; không có trường hợp nào trẻ đẻ non mà bị ngạt nặng. So với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Phong trẻ có Apgar bình thường của chúng tôi cao hơn (kết quả Nguyễn Văn Phong là 63,2%) [12]. Kết quả của chúng tôi cao hơn vì tại bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng những trường hợp tiên lượng không tốt như ở tuổi thai thấp dưới 32 tuần hầu hết không sinh tại bệnh viện.
- Cân nặng trẻ sơ sinh sau đẻ: Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có 54 ca đẻ non trong thời gian 06 tháng từ 01/2/2017 đến ngày 31/7/2017 thì có 57 trẻ sơ sinh non tháng chào đời do có 03 trường hợp song thai.Nhìn vào bảng tỷ lệ trẻ sơ sinh theo cân nặng cho thấyCó 1 trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 1000g chiếm 1,75%, 17 trẻ sơ sinh có cân nặng trong khoảng 1000 - <2500g chiếm 29,82%, 39 trẻ sơ sinh có cân nặng từ 2500g trở lên chiếm 68,48%.Kết quả này có thể được lý giải như sau: tỷ lệ đẻ non tập trung ở những tuổi thai từ 34-37 tuần nên tỷ lệ trẻ có cân nặng trên 2500g chiếm phần lớn.
6. Kết luận:
* Tỷ lệ đẻ non:
- Tỷ lệ đẻ non tại bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng trong 06 tháng từ 02/2017 đến tháng 07/2017 là 54 trường hợp trong tổng số 1433 trường hợp chiếm tỷ lệ 3,77%.
- Tỷ lệ đẻ non ở nhóm tuổi thai từ 34 tuần đến dưới 37 tuần tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 85,19%.
* Một số yếu tố liên quan đến đẻ non
- Tỷ lệ đẻ non tập trung ở những sản phụ là nông dân (48,15%), và công nhân (42,59%).
-Tần suất đẻ non ở sản phụ sinh con dạ (70,37%) cao hơn gấp 3,41 lần sinh con so (29,63%).
- Sản phụ có tiền sử bệnh tật như: Viêm đường sinh dục, khối u, bệnh nội khoa, ngoại khoa.... hay tiền sử sảy thai, đẻ non làm tần suất gặp đẻ non tăng lên.
- Thiểu ối, đa ối cũng làm tăng tần suất gặp đẻ non.
- Có 68,52% trường hợp đẻ non trong nhóm nghiên cứu đẻ đường âm đạo.
- Sơ sinh có apgar bình thường trong nhóm nghiên cứu chiếm 98,15%.
- Sơ sinh có cân nặng từ 2500g trở lên trong nghiên cứu chiếm 68.48%.
7. Kiến nghị:
Từ kết quả trên chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau:
- Cần nâng cao hơn nữa việc giáo dục truyền thông, cung cấp những thông tin cần thiết cho phụ nữ mang thai tại các tuyến nói chung, đặc biệt tuyến cơ sở ở nông thôn cần có hình thức phù hợp, hiệu quả.
- Với những sản phụ có nguy cơ đẻ non, cần được khám và điều trị ở những cơ sở có điều kiện chăm sóc sơ sinh non tháng.
- Tại khoa sản bệnh viện đa khoa huyện Đan phượng, những ca chuyển dạ đẻ non tuổi thai trên 34 tuần tuổi thì có thể giữ lại điều trị, còn những ca chuyển dạ đẻ non tuổi thai dưới 34 tuần tuổi nên chuyển tuyến trên.
Xác nhận của cơ quan chủ trì đề tài |
Chủ nhiệm đề tài |