Phòng chống hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính ở đường thở, gây khó thở rít, tức ngực từng đợt tái diễn, thường bị tắc nghẽn đường thở. Bệnh có thể tự hồi phục hoặc do điều trị. Quá trình viêm này hay kèm theo tăng tính phản ứng phế quản với nhiều tác nhân kích thích gây co thắt phế quản.
 
Theo thống kê, trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen làm tiêu tốn khoảng 500 USD tiền điều trị cho mỗi người/năm. Riêng Việt Nam hiện có hơn 4 triệu người mắc bệnh hen (chiếm khoảng 5% dân số) với chi phí điều trị trung bình 301 USD/người/năm và ít nhất 3000 người chết vì bệnh hen/năm, đáng lưu ý ở trẻ em dưới 15 tuổi là 10-12%.
 
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em
 
- Yếu tố di truyền: trong gia đình người bệnh hen, người ta cũng thường thấy có cha mẹ hay anh em của bệnh nhân này cũng bị hen. Ngược lại, nếu cha hoặc mẹ bị hen thì con sinh ra có khả năng mắc hen nhiều gấp 2 đến 3 lần người bình thường.
 
- Yếu tố gây dị ứng: con mạt nhà: là những con côn trùng bé li ti nằm trong bụi nhà, có rất nhiều trên giường chiếu, chăn màn; lông chó mèo, phấn hoa, bụi phát sinh trong quá trình lao động.
 
- Yếu tố gây ô nhiễm: ô nhiễm môi trường sống như khói của động cơ xe có chứa nhiều: SO2, NO2…
 
Triệu chứng bệnh hen phế quản ở trẻ em
 
- Triệu chứng của hen phế quản là ho dai dẳng, đặc biệt nặng hơn về đêm, thở khò khè, thở gắng sức, nặng ngực ở trẻ lớn. Còn ở trẻ nhỏ, nhiều khi tình trạng co thắt phế quản chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà, nhưng lúc hít vào không thấy ồn ào, đôi khi lẫn giữa cơn ho có tiếng rít.
 
- Hen trẻ em cũng có thể ở dạng viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho nhiều dịch tiết ra, không giống như hen kinh điển ở người lớn, cơn hen ở trẻ em bắt đầu và kết thúc không đột ngột.
 
- Hen gắng sức là kiểu hen thường xuất hiện sau những hoạt động gắng sức như: khi trẻ leo cầu thang, chạy nhảy, cười đùa nhiều.
 
Cách phòng bệnh hen phế quản ở trẻ em
 
- Cho trẻ bú mẹ, ăn đủ chất để nâng cao thể trạng. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cùng vớ đó, bạn cũng nên vệ sinh tay sạch sẽ khi bế hoặc cho trẻ bú.
 
- Tránh các tác nhân gây dị ứng và cách ly trẻ với môi trường khói thuốc, hóa chất hoặc không nên để trẻ tiếp xúc với chó, mèo. Thậm chí, nhiều trẻ có tiền sử dị ứng với lông chó, mèo cũng có nguy cơ mắc chứng viêm phế quản khi chơi với thú nhồi bông.
 
- Phòng ngủ của trẻ cần được đặc biệt thông thoáng, trong lành. Không nên trải thảm trong phòng trẻ. Nên thường xuyên giặt chăn, gối dành cho trẻ, sau đó phơi nắng thật khô.
 
- Nếu phát hiện có dịch sởi, ho gà, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay là dịch cúm gia cầm, phải kịp thời cách ly để tránh lây cho trẻ khác, vì các bệnh này là một trong những nguyên nhân gây biến chứng viêm phế quản - phổi.
 
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen như: bụi khói, thuốc lá, khói nhang, nấm mốc, hóa chất, lông gia súc, phấn hoa, không khí lạnh, các thuốc như Aspirin, một số thuốc điều trị tăng huyết áp.
 
- Bệnh nhân hen cần tránh các nguy cơ tiếp xúc có thể bị cảm cúm và nên tiêm phòng cúm mỗi năm một lần.
 
                  Thu Hương
(TTYT huyện Mê Linh)