TÓM TẮT KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ
Tên đề tài: Nghiên cứu tình hình sử dụng các chế phẩm máu tại bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng giai đoạn 2012- 2015
Mã số đề tài: CS/BVDP/17/09
Chủ nhiệm đề tài: BS CKI Đinh Thị Bích Hoài Tel: 0963 212 669
Email:bichhoai6789@gmail.com
Cơ quan chủ trì đề tài: Bệnh viện đa khoa huyện Đan Phượng
Cơ quan và cá nhân phối hợp thực hiện:
-Cộng sự 1: KTV Đàm Thị Ngọc Hà.
-Cộng sự 2: KTV Trần Thị Hoàng Anh.
Thời gian thực hiện: Từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 09 năm 2017.
1.Đặt vấn đề:
Truyền máu là một phương pháp điều trị được áp dụng rộng rãi trong nhiều chuyên khoa và cứu sống nhiều người bệnh. Khoa học, y học càng phát triển đòi hỏi nhu cầu truyền máu ngày càng cao. Truyền máu chỉ đạt hiệu quả tốt khi đảm bảo an toàn truyền máu. An toàn truyền máu là truyền máu có tác dụng chữa bệnh nhưng không làm mắc bệnh.
Tại bệnh viện Đa khoa Đan Phượng nhu cầu sử dụng các chế phẩm máu ngày càng tăng, đặc biệt trong các trường hợp phẫu thuật, cấp cứu, mất máu. Hiện tại chúng ta chưa có nghiên cứu nào về tình hình sử dụng các chế phẩm máu tại bệnh viện. Để đánh giá về chỉ định sử dụng máu, chế phẩm máu và thực hiện các quy định về truyền máu lâm sàng ở một bệnh viện có nhiều chuyên khoa, góp phần mô tả bức tranh về thực trạng sử dụng máu tại bệnh viện và các căn cứ chỉ định truyền máu và chế phẩm, chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài:“Nghiên cứu tình hình sử dụng các chế phẩm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng giai đoạn 2012-2015”
2.Mục tiêu đề tài:
- Đánh giá tình hình sử dụng chế phẩm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng.
- Đánh giá khả năng đáp ứng các chế phẩm máu của Khoa xét nghiệm bệnh viện Đan Phượng trong giai đoạn 2012-2015.
3.Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Hồ sơ lưu các bệnh nhân được chỉ định truyền chế phẩm máu tại Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, giai đoạn từ 01/01/2012 – 31/12/2015.
3.2. Phương pháp nghiên cứu
- Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu hồi cứu mô tả cắt ngang.
- Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân: Tất cả các bệnh nhân điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng được truyền máu từ tháng 01/2012 đến hết tháng 12/2015.
- Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân: Bệnh nhân được truyền máu hoàn hồi.
4.Kết quả và Bàn luận:
4.1. Tình hình sử dụng máu và các chế phẩm máu tại bệnh viện Đa khoa Đan Phượng giai đoạn 2012-2015.
4.1.2. Tỷ lệ bệnh nhân truyền máu theo giới, nhóm tuổi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, trong giai đoạn 2012 – 2015, tỷ lệ truyền máu ở bệnh nhân nữ (chiếm tỷ lệ 66.8% ) nhiều hơn bệnh nhân nam (chiếm tỷ lệ 33.2%). Bệnh nhân truyền máu gặp phổ biến ở nhóm tuổi 20-39 tuổi (chiếm 39.5%). Nhóm tuổi này ở các bệnh nhân nữ là trong độ tuổi sinh đẻ. Với các mặt bệnh truyền máu đa dạng ví dụ: băng huyết sau đẻ thường, đẻ mổ, chửa ngoài tử cung, u xơ tử cung...
Còn với nhóm bệnh nhân >60 tuổi (chiếm 33.3%) cũng được chỉ định truyền nhiều với các mặt bệnh đa dang ví dụ: xuất huyết tiêu hóa, xơ gan cấp, xơ gan mãn, suy tủy... Có thể do từ tuổi ngoài 60, cơ thể bắt đầu xuất hiện nhiều bệnh theo quy luật sinh- lão- bệnh- tử của con người.
4.1.3. Tỷ lệ bệnh nhân truyền máu theo nhóm máu hệ ABO.
Theo hệ nhóm máu ABO, tỉ lệ bệnh nhân nhóm máu O được truyền là nhiều nhất chiếm 45.25%, tiếp đến nhóm máu B với tỉ lệ 36%, nhóm máu A với 20.65% và thấp nhất là tỉ lệ nhóm AB với 3.5%. Thống kê này phù hợp về tỉ lệ nhóm máu hệ ABO của người Việt Nam trong các nghiên cứu khác. Tài liệu của tác giả Đỗ Trung Phấn thống kê: dân tộc Kinh nhóm máu O chiếm 45%, nhóm máu A chiếm 21.4%, nhóm máu B chiếm 29%, nhóm máu AB chiếm 4.5% [1], [13], [9]
4.1.4. Tỷ lệ bệnh nhân truyền máu theo khoa.
Trong các khoa của bệnh viện: GMHS, Nội, HSCC, Sản, Ngoại, TN thì 2 khoa cho chỉ định truyền máu nhiều nhất là khoa HSCC và khoa Sản:
- Đối với chế phẩm KHC: số đơn vị được truyền tại khoa HSCC chiếm tới 52.4%, khoa Sản là 38.1%. Bệnh nhân thường nặng và cấp (ở khoa HSCC) như được chẩn đoán: xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, ung thư dạ dày, ung thư trực tràng... gây thiếu máu nặng, thiếu số lượng hồng cầu. Vì vậy việc truyền khối hồng cầu ở khoa HSCC là nhiều hơn.
- Chế phẩm HTĐL: số đơn vị được truyền tại khoa HSCC là 50.7%, khoa Sản là 44.4%;
- Chế phẩm HTTĐL: số đơn vị được truyền tại khoa HSCC là 39.4%, khoa Sản là 41.9%. Các khoa còn lại được chỉ định truyền máu ít < 5%. Có sự chênh lệch này là do ở khoa Sản, bệnh nhân đẻ mổ mất máu, thiếu máu do u xơ tử cung, sau đẻ thường băng huyết hay gây rối loạn đông máu (cần bổ sung các yếu tố đông cầm máu...). Vì vậy khoa Sản sử dụng chế phẩm HTTĐL nhiều hơn.
- Đối với chế phẩm KTC: chỉ được truyền tại khoa TN (chiếm 66.7%) và khoa HSCC (chiếm33.3%).
Ở khoa Ngoại, Nội, TN bệnh nhân được chỉ định truyền máu thường ít.
Tỷ lệ bệnh nhân truyền máu theo khoa cũng phù hợp với tỷ lệ % sử dụng máu trong cấp cứu và điều trị có kế hoạch. Đa số bệnh nhân được chỉ định truyền là các trường hợp cấp cứu chiếm tới 82.4% so với các bệnh nhân được chỉ định truyền có kế hoạch. Từ tỷ lệ % các trường hợp cấp cứu cần phải truyền máu(chiếm trên 80%) cho thấy: việc có phòng trữ và phát máu tại Khoa xét nghiệm- Bệnh viện Đan Phượng là cần thiết.
4.1.5. Sử dụng máu và chế phẩm.
Tại bệnh viện Đa khoa Đan Phượng ,trong các chế phẩm máu được chỉ định truyền thì KHC được chỉ định nhiều nhất (66.6%) (Bảng 3.1.3), lần lượt đến chế phẩm HTĐL, HTTĐL, KTC. Nguyên nhân do bệnh nhân được chỉ định truyền thường bị mất máu cấp, nhiều (sau đẻ, mổ, chấn thương...). Truyền KHC được chỉ định với mục đích làm tăng khả năng vận chuyển oxy của máu, tức là làm tăng nồng độ hemoglobin trong máu. Mỗi đơn vị KHC chuẩn có khả năng làm tăng nồng độ Hb lên thêm 10 g/l hoặc tăng Hct lên thêm 3%. Vì vậy hầu hết bệnh nhân truyền máu là truyền KHC. Những năm tới cần dự trù được lượng KHC đảm bảo cho truyền máu.
Qua bảng 3.1.3 chúng ta thấy chế phẩm HTĐL được chỉ định truyền giảm dần: năm 2012 là 61 đơn vị, đến năm 2015 giảm còn 25 đơn vị. Trong khi chế phẩm HTTĐL được sử dụng tăng dần: từ 1 đơn vị năm 2012 đến năm 2015 là 100 đơn vị. Sự khác biệt này rất rõ rệt. Nguyên nhân phụ thuộc vào bản chất của HTĐL và HTTĐL. HTĐL là huyết tương được tách ra từ máu toàn phần sau 6 giờ và được bảo quản đông lạnh còn HTTĐL là huyết tương được tách ra từ máu toàn phần trong vòng 6 giờ và được bảo quản đông lạnh nên giữ được nhiều yếu tố đông máu hơn so với HTĐL.
Cũng qua bảng 3.1.3 chúng tôi nhận thấy tổng số đơn vị máu và các chế phẩm được truyền qua các năm 2012-2015 tăng dần. Năm 2012, sử dụng 174 đơn vị chế phẩm máu, năm 2013 là 262 đơn vị, 2014 là 285 đơn vị và năm 2015 là 395 đơn vị. Số đơn vị chế phẩm máu được sử dụng năm 2015 gấp đôi số đơn vị chế phẩm máu được sử dụng năm 2012. Nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm máu ngày càng tăng. Bệnh viện sử dụng các kỹ thuật cao hơn và mặt bệnh cũng phong phú hơn. Các bác sỹ nhận thức được tầm quan trọng của truyền máu như đã cứu sống được nhiều người bệnh trong các trường hợp mất máu cấp,... Hơn nữa bệnh nhân cũng tin tưởng vào Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng nên tỉ lệ bệnh nhân được điều trị tại viện cũng tăng lên.
4.2. Đánh giá khả năng đáp ứng máu và các chế phẩm máu.
- Đánh giá khả năng đáp ứng của Viện HHTMTW
Qua bảng 3.2.1 chúng ta thấy khả năng đáp ứng máu và các chế phẩm máu của Viện HHTMTW đối với yêu cầu của Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng trong giai đoạn 2012-2015 là rất cao (% đáp ứng là 97.7%). Viện HHTMTW là bệnh viện tuyến trung ương, nơi đầu ngành cung cấp máu và các chế phẩm cho các viện nên khả năng đáp ứng là rất cao. Ngoài ra khi bác sỹ có chỉ định truyền máu, thông báo tới khoa Xét nghiệm. Khoa phải liên lạc trước với Viện HHTMTW xem cung cấp được không. Còn 2.3% Viện HHTMTW không đáp ứng được do: vào các đợt người hiến máu ít hơn nên máu và các chế phẩm được sản xuất hạn chế, trong khi nhu cầu của tất cả các viện khác đều cao. Viện HHTMTW đáp ứng đến mức tối đa là cung cấp được chế phẩm máu nhưng với số đơn vị thấp hơn so với yêu cầu. Ví dụ Bệnh viện Đan Phượng yêu cầu 3 đơn vị KHC 350 ml nhóm A, Viện HHTMTW đáp ứng được 2 đơn vị KHC 350ml nhóm A... Việc đáp ứng luôn ở mức cao nhất trong điều kiện có thể.
- Khả năng đáp ứng của khoa Xét nghiệm đối với các khoa Lâm sàng.
Khi khoa lâm sàng có chỉ định truyền máu và liên lạc với khoa Xét nghiệm để mua máu. Khoa Xét nghiệm luôn làm việc với thái độ nghiêm túc, cẩn thận và khẩn trương nhất để phục vụ cho việc đi mua máu được nhanh, kịp thời cho việc điều trị bệnh nhân.
Quy trình cung ứng máu của Khoa Xét nghiệm:
- Bác sỹ lâm sàng có chỉ định truyền máu.
- Thực hiện các thủ tục hành chính như hoàn thành sổ sách, tạm ứng tiền làm chéo, điều phối xe vận chuyển.
- Định lại nhóm máu người bệnh trước khi đi mua.
- Thời gian vận chuyển: 2 giờ (không kể yếu tố khách quan)
- Tại Viện HHTMTW: Thời gian hoàn thành thủ tục hành chính tại viện, quy trình làm xét nghiệm mất 1 giờ 30 phút.
Tổng thời gian với một ca mua máu tại Viện HHTMTW trung bình từ 3 giờ đến 4 giờ. Ngoài ra thời gian đi mua máu còn ảnh hưởng bởi yếu tố bệnh lý của bệnh nhân (ví dụ bệnh nhân phải chọn máu) và một số yếu tố khác quan khác (như cần bố trí nhân lực đi mua máu: mua máu trong giờ hành chính và trong giờ trực). Đôi khi việc mua máu gặp nhiều hạn chế như trong một ngày có nhiều trường hợp bệnh nhân mất máu cấp, bệnh nhân cấp cứu được chỉ định truyền máu nhiều lần trong ngày, việc cung ứng máu sẽ không kịp thời. Trong khi đó số chỉ định truyền máu tại các khoa tại Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng ngày càng tăng qua các năm.
Vì vậy việc trữ máu tại bệnh viện là cần thiết để đảm bảo cung ứng máu kịp thời cho các bệnh nhân cần được truyền máu.
5.Kết luận:
- Tình hình sử dụng máu và chế phẩm máu tại Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng giai đoạn 2012- 2015 ngày càng tăng lên. Năm 2012, sử dụng 174 đơn vị chế phẩm máu, năm 2013 là 262 đơn vị, 2014 là 285 đơn vị và năm 2015 là 394 đơn vị (số đơn vị máu được truyền năm 2015 tăng gấp đôi so với năm 2012).
- Chế phẩm KHC được sử dụng nhiều nhất (chiếm 66.6%) so với các chế phẩm KTC, HTĐL, HTTĐL. Chế phẩm HTĐL được chỉ định truyền giảm dần (61 đơn vị năm 2012, giảm còn 25 đơn vị năm 2015), chế phẩm HTTĐL được chỉ định truyền tăng dần (1 đơn vị năm 2012, tăng lên 100 đơn vị năm 2015).
- Khoa HSCC và Khoa Sản có chỉ định truyền máu nhiều nhất (trên 30% số đơn vị chế phẩm máu được truyền tại mỗi khoa này ).
- Khả năng đáp ứng máu và chế phẩm máu của Viện HHTMTW đối với bệnh viện Đan Phượng ở mức cao (97.7%).
6.Kiến nghị:
- Với nhu cầu sử dụng máu và các chế phẩm ngày càng tăng nên việc có phòng trữ máu tại Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng là cần thiết để đáp ứng đủ và kịp thời gian cho công tác điều trị.
- Một số trường hợp bệnh nhân có chỉ định truyền máu nhưng Viện HHTMTW hết máu hoặc số lượng thể tích cung cấp không đủ. Có thời điểm khan hiếm, kho máu chỉ phát máu khi có người nhà bệnh nhân đến hiến máu, vì vậy các bác sỹ lâm sàng cần phải tư vấn cụ thể cho bệnh nhân và người nhà trước khi truyền máu, đảm bảo cân đối lượng máu cung cầu.
Xác nhận của cơ quan chủ trì đề tài |
Chủ nhiệm đề tài |